MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT GIAO THÔNG KỂ TỪ NGÀY 1/1/2025 THEO THÔNG TƯ 35/TT-BGTVT VỀ ĐÀO TẠO, SÁT HẠCH, CẤP GIẤY PHÉP LÁI XE; NGHỊ ĐỊNH 160/2024/NĐ-CP VỀ ĐÀO TẠO VÀ SÁT HẠCH LÁI XE

Luật mới phân hạng Giấy phép lái xe thành 15 hạng gồm: Hạng A1, Hạng A, hạng B, hạng B1, hạng C, hạng C1, hạng D1, hạng D2, hạng D, hạng BE, hạng C1E, hạng DE, hạng D1E, hạng D2E, hạng DE

1. Hình thức học lý thuyết thi giấy phép lái xe từ 01/01/2025

– Trước 1/1/2025: Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định người có nhu cầu cấp giấy phép lái xe ô tô hạng B1 được tự học các môn lý thuyết, nhưng phải đăng ký tại cơ sở được phép đào tạo để được ôn luyện, kiểm tra; cấp chứng chỉ đào tạo.

– Sau 1/1/2025: Điều 5 Thông tư 35/2024/TT-BGTVT quy định về hình thức đào tạo như sau: Người có nhu cầu cấp giấy phép lái xe các hạng B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE được đào tạo:

+ Đối với nội dung học lý thuyết phải học đủ chương trình đào tạo theo quy định và được lựa chọn một trong các hình thức học sau: tập trung tại cơ sở đào tạo lái xe hoặc đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn theo quy định của pháp luật về hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe;

+ Đối với nội dung học thực hành lái xe: theo hình thức tập trung tại cơ sở đào tạo lái xe.

Như vậy, theo quy định mới, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu tất cả các hạng giấy phép lái xe ô tô phải học lý thuyết đầy đủ theo hình thức tập trung hoặc đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn.

2. Được rút ngắn thời gian học GPLX B1, C: Khóa học không quá 90 ngày

Khoản 3 Điều 7 Thông tư 35/2024/TT-BGTVT đã chỉ rõ tổng thời gian khóa đào tạo trong chương trình đào tạo lái xe B1, C là không quá 90 ngày trong khi trước đây chưa có quy định thời hạn cụ thể.

Điểm c khoản 4 Điều 7 Thông tư 35/2024/TT-BGTVT  nêu rõ: Người học lái xe được kiểm tra kết thúc môn học khi tham dự tối thiểu 70% thời gian học các môn lý thuyết; học đủ thời gian và tối thiểu 50% số km học thực hành lái xe trên sân tập lái; học đủ số km và tối thiểu 50% thời gian học thực hành lái xe trên đường”.

Nghĩa là người học tùy theo điều kiện và năng lực, có thể rút ngắn được đến 30% thời gian học ở lý thuyết, 50% ở thực hành trên đường và đến 50% số km thực hành trên sân. Ngược lại, tùy theo điều kiện, nhu cầu và năng lực, người học vẫn hoàn toàn có thể học nhiều hơn mức tối thiểu quy định ngay trong chương trình chính khóa, do cơ sở đào tạo lái xe chịu trách nhiệm xây dựng.

Quá thời hạn 01 (một) năm kể từ ngày cơ sở đào tạo lái xe tổ chức xét hoàn thành khóa đào tạo lần đầu mà học viên không đủ điều kiện để được xét hoàn thành khóa đào tạo thì học viên phải được đào tạo lại theo khóa đào tạo mới.Trong đó, số học viên học thực hành lái xe được quy định cho một xe tập lái: hạng B không quá 05 học viên, hạng C1 không quá 08 học viên; trong đó, quãng đường tập lái xe được tính cho từng học viên và thời gian tập lái xe trên sân tập lái được tính cho nhóm học viên trên xe tập lái.

Với thời hạn tối đa không quá 90 ngày, cơ sở đào tạo lái xe sẽ phải có trách nhiệm cao hơn với người học, tránh tình trạng nhận hồ sơ rồi tìm cách kéo dài thời gian để giữ chân học viên mà thực tế thì không đủ lưu lượng.

3. Bỏ môn nghiệp vụ vận tải

Một điểm đáng chú ý khác tại Thông tư 35/2024/TT-BGTVT  so với Thông tư 12/2017/TT-BGTVT là bỏ môn “nghiệp vụ vận tải”. Theo Thông tư 35/2024/TT-BGTVT, người học giấy phép lái xe các hạng B, C1 học lý thuyết với các nội dung: Pháp luật về giao thông đường bộ; cấu tạo và sửa chữa thông thường; đạo đức, văn hóa giao thông và phòng chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông; kỹ năng PCCC và cứu nạn, cứu hộ; kỹ thuật lái xe; học phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông.

4. Thay đổi tiêu chuẩn đối với giáo viên dạy lái xe từ 01/01/2025

a. Khoản 1 Điều 10 quy định về tiêu chuẩn giáo viên dạy lý thuyết lái xe gồm:

(1) Bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên một trong các chuyên ngành luật, công nghệ ô tô, công nghệ kỹ thuật ô tô, lắp ráp ô tô hoặc các ngành nghề khác có nội dung đào tạo chuyên ngành pháp luật hoặc ô tô chiếm 30% trở lên, giáo viên dạy môn kỹ thuật lái xe phải có giấy phép lái xe tương ứng hạng xe đào tạo trở lên;

(2) Có một trong các văn bằng, chứng chỉ về trình độ nghiệp vụ sư phạm: cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên, sư phạm, sư phạm kỹ thuật; trung cấp sư phạm; chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm bậc 1, bậc 2; chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trung cấp.

b. Khoản 2 Điều 10 quy định về 05 tiêu chuẩn đối với giáo viên dạy THLX gồm:

(1) Có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề trở lên;

(2) Có giấy phép lái xe hạng tương ứng hoặc cao hơn hạng xe đào tạo;

(3) Giáo viên dạy các hạng B, C1 phải có giấy phép lái xe đủ thời gian từ 03 năm trở lên, kể từ ngày được cấp giấy phép lái xe; giáo viên dạy các hạng C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE phải có giấy phép lái xe đủ thời gian từ 05 năm trở lên kể từ ngày được cấp giấy phép lái xe;

(4) Có một trong các văn bằng, chứng chỉ về trình độ nghiệp vụ sư phạm: cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên, sư phạm, sư phạm kỹ thuật; trung cấp sư phạm; chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm bậc 1, bậc 2; chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trung cấp;

(5) Đã qua tập huấn về nghiệp vụ dạy thực hành lái xe theo chương trình khung quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định 160/2024/NĐ-CP.

Như vậy, Luật mới đã không còn quy định về tiêu chuẩn chung đối với giáo viên dạy lái xe, giữ nguyên tiêu chuẩn đối với giáo viên dạy lý thuyết, các tiêu chuẩn đối với giáo viên dạy thực hành cũng đã thay đổi để phù hợp với các hạng lái xe theo quy định tại Luật An toàn giao thông đường bộ 2024.

c. Điều 14 NĐ 160 quy định viêc thu hồi Giấy chứng nhận giáo viên THLX:

  • Có hành vi gian lận để được tham dự tập huấn và kiểm tra để được Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe;
  • Cấp cho người không đủ một trong các tiêu chuẩn quy định tại Điều 9 Nghị định này;
  • Do cơ quan hoặc người không có thẩm quyền cấp;
  • Bị tẩy xóa, sửa chữa;
  • Cho cơ sở đào tạo khác thuê, mượn để sử dụng nhưng không tham gia giảng dạy; hoặc cho tổ chức, cá nhân khác thuê, mượn để sử dụng.

5. GPLX bị mất được cấp lại ngay

Liên quan đến cấp lại GPLX, tại Thông tư mới, Bộ Giao thông Vận tải cho phép người có GPLX bị mất, còn thời hạn sử dụng được xét cấp lại ngay mà không phải chờ xác minh.

Cụ thể, Điều 35 Thông tư 35 quy định, người có GPLX bị mất, còn thời hạn sử dụng được xét cấp lại GPLX. Việc cấp lại GPLX bị mất thực hiện theo trình tự quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 36 như sau:

6. Để GPLX quá hạn 1 ngày phải thi lại lý thuyết

Trước đây, khoản 1 Điều 36 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT(sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 05/2024/TT-BGTVT) quy định về trường hợp GPLX quá thời hạn sử dụng như sau: (1) Từ 03 tháng đến dưới 01 năm, kể từ ngày hết hạn phải sát hạch lại lý thuyết theo quy định để cấp lại GPLX; (2) Từ 01 năm trở lên kể từ ngày hết hạn phải sát hạch lại lý thuyết, thực hành lái xe trong hình và trên đường để cấp lại GPLX. Theo đó, quy định này cho phép GPLX quá hạn dưới 03 tháng vẫn được đổi sang GPLX mới và không phải thi lại lý thuyết.

Tuy nhiên từ ngày 01/01/2025, khoản 2 Điều 34 Thông tư 35/2024/TT-BGTVT quy định người có GPLX lái xe các hạng B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE quá thời hạn sử dụng dưới 01 năm kể từ ngày hết hạn phải sát hạch lý thuyết theo quy định để cấp GPLX: Quá hạn từ 01 năm trở lên kể từ ngày hết hạn phải sát hạch lý thuyết, thực hành lái xe trong hình và trên đường để cấp GPLX.

Như vậy từ ngày 01/01/2025, tài xế cần chú ý đi đổi GPLX trước khi hết hạn bởi GPLX quá hạn 01 ngày cũng sẽ phải thi lại lý thuyết.

Toàn văn thông tư 35/2024/TT-BGTVT: Xem tại đây

Toàn văn nghị định 160/2024/NĐ-CP: Xem tại đây

TỔNG HỢP TỪ CÁC VĂN BẢN LUẬT CỦA TRUNG TÂM GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP, ĐÀO TẠO LÁI XE, NGOẠI NGỮ, TIN HỌC THUỘC HỌC VIỆN AN NINH NHÂN DÂN

Tham gia bình luận: